Nồng độ testosterone thấp ở phụ nữ có ảnh hưởng như thế nào?
CN CT
Thứ Sáu,
19/08/2022
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nhiều người cho rằng khái niệm testosterone chỉ có ở nam giới, nhưng thực chất loại hormone này cũng có ở phái nữ. Thậm chí, nồng độ testosterone ở phụ nữ quá thấp cũng là một vấn đề sức khỏe đáng lưu tâm.
1. Nồng độ testosterone ở phụ nữ
Nồng độ testosterone của phụ nữ trong suốt cuộc đời luôn thay đổi liên tục một cách tự nhiên, theo chu kỳ kinh nguyệt và thậm chí không ổn định vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Phụ nữ có testosterone thấp bị giới hạn trong việc sản xuất ra các tế bào máu mới, duy trì ham muốn tình dục hoặc tăng mức độ các hormone sinh dục khác.
Testosterone là một hormone thuộc nhóm androgen. Nồng độ testosterone ở phụ nữ ảnh hưởng đến:
- Khả năng sinh sản.
- Ham muốn tình dục.
- Khả năng sản xuất hồng cầu.
- Khối lượng cơ bắp và sự phân bổ chất béo.
Hầu hết mọi người thường mường tượng về testosterone giống như một hormone tượng trưng cho đặc tính nam, nhưng sự thật là cả nam lẫn nữ đều cần một lượng testosterone nhất định. Trung bình, nam giới có lượng testosterone nhiều hơn so với nữ giới. Ở phụ nữ, tuyến thượng thận và buồng trứng là nơi sản sinh ra một lượng nhỏ hormone này.
Theo nghiên cứu từ Trung tâm Y khoa của Đại học Rochester, nồng độ testosterone ở nữ giới thường dao động trong khoảng giới hạn từ 15 - 70 ng/dl (nanogram testosterone trên mỗi deciliter máu). Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể nào quy định mức độ testosterone như thế nào gọi là "thấp" ở phụ nữ.
2. Triệu chứng testosterone thấp ở nữ giới
Thiếu testosterone ở nữ dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác có triệu chứng tương tự
Phụ nữ bị thiếu testosterone sẽ cảm thấy mệt mỏi và lờ đờ. Testosterone thấp ở nữ giới có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:
- Uể oải.
- Yếu cơ.
- Mệt mỏi.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Giảm khoái cảm.
- Tăng cân.
- Rối loạn sinh sản.
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Khô âm đạo.
- Mất mật độ xương
Vì các biểu hiện liên quan đến testosterone thấp rất thường gặp nên các bác sĩ sẽ sàng lọc các bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự trước khi đưa ra chẩn đoán chính xác. Các bệnh lý này bao gồm:
- Trầm cảm.
- Lo lắng.
- Stress mãn tính.
- Bệnh tuyến giáp.
- Thời kỳ tiền mãn kinh chuyển sang mãn kinh.
3. Nguyên nhân gây ra thiếu testosterone ở nữ
Nồng độ testosterone của phụ nữ có xu hướng giảm theo độ tuổi và thời kỳ mãn kinh. Hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng testosterone nữ giới thấp là:
Sự suy giảm của hormone là kết quả bình thường của thời kỳ mãn kinh và lão hóa.
Rối loạn ở buồng trứng, hoặc tuyến yên, hoặc tuyến thượng thận.
Nồng độ testosterone ở nữ giới giảm tự nhiên khi bắt đầu có tuổi. Bên cạnh đó, các hormone khác, chẳng hạn như estrogen, cũng giảm dần theo thời gian; đặc biệt là khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh.
Vào giai đoạn mãn kinh, phụ nữ có ít testosterone hơn vì buồng trứng sản xuất ít hormone hơn. Ngoài ra, các loại thuốc dành cho phụ nữ mãn kinh cũng có tác động làm giảm nồng độ testosterone, chẳng hạn như estrogen đường uống
Một số rối loạn với buồng trứng và tuyến thượng thận cũng có thể dẫn đến mức testosterone thấp hơn, ví dụ như cắt bỏ buồng trứng hay suy tuyến thượng thận.
4. Chẩn đoán testosterone thấp ở nữ giới
Hiện nay, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về việc điều trị testosterone thấp ở phụ nữ. Ngược lại, các nhà khoa học thường quan tâm nhiều hơn về tình trạng testosterone quá cao ở nữ giới và những ảnh hưởng liên quan.
Thậm chí, vào năm 2014, đã có khuyến nghị chống lại việc đo nồng độ testosterone thường xuyên ở phụ nữ, vì các nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được mối liên hệ giữa nồng độ testosterone thấp và các triệu chứng có thể nhận thấy.
Mặt khác, nếu một người phụ nữ khi được thăm khám phát hiện bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, thì bác sĩ có xu hướng sàng lọc, chẩn đoán các bệnh lý hay rối loạn khác phổ biến hơn, với mức độ ưu tiên cao hơn là tình trạng testosterone thấp.
Nói chung, để chẩn đoán testosterone thấp ở phụ nữ, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc thăm khám lâm sàng và hỏi về bất kỳ triệu chứng nào. Nếu nghi ngờ các dấu hiệu liên quan đến nồng độ testosterone thấp, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu.
Trong trường hợp chị em chưa đến tuổi mãn kinh, bác sĩ có thể sẽ tư vấn về thời điểm tốt nhất để kiểm tra nồng độ testosterone. Bởi vì các triệu chứng gặp phải có thể là do sự dao động của hormone trong chu kỳ kinh nguyệt.
5. Điều trị testosterone thấp ở phụ nữ
Về phương pháp điều trị, cải thiện chất lượng giấc ngủ giúp đẩy lùi các triệu chứng của testosterone thấp. Bên cạnh đó, một số loại thuốc thay thế estrogen có thể bổ sung testosterone. Tuy nhiên, lượng testosterone trong thuốc thường không đủ để tăng nồng độ lên đến mức ổn định, hoặc cơ thể không có khả năng hấp thụ chúng.
Một số bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân bổ sung testosterone bằng đường tiêm hoặc đường uống dưới dạng viên, với hy vọng các biện pháp này có tác dụng tương tự với phụ nữ giống như nam giới: Tăng sinh lực, giảm mệt mỏi và cải thiện ham muốn tình dục.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lại cho rằng phụ nữ không nên dùng testosterone. Trên thực tế, có rất ít thuốc bổ sung testosterone cho nữ được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt. Điều này là do các tác dụng phụ có thể xảy ra đối với nhóm thuốc này, bao gồm:
- Rụng tóc.
- Nổi mụn trứng cá.
- Mọc nhiều tóc.
- Trầm hóa giọng nói.
- Âm đạo mở rộng.
Năm 2014, một số nhà khoa học đã khuyến cáo không nên điều trị tình trạng testosterone thấp ở phụ nữ do đang thiếu nghiên cứu. Tuy nhiên, trừ một trường hợp ngoại lệ đối với phụ nữ mắc một chứng bệnh gọi là rối loạn ham muốn tình dục ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng thì nên được điều trị.
Để giải quyết vấn đề testosterone thấp ở nữ, các bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định liệu pháp thay thế để điều trị các triệu chứng và thực hiện thay đổi lối sống, bao gồm:
- Liệu pháp tình dục.
- Kiểm soát căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
- Dùng thuốc không kê đơn để bổ sung dehydroepiandrosterone (DHEA).
DHEA là một loại hormone steroid cũng được sản xuất bởi tuyến thượng thận và được xem như liệu pháp thay thế cho testosterone. Các tác dụng phụ của việc bổ sung DHEA cũng tương tự như những tình trạng gặp phải khi testosterone dư thừa.
Tuy nhiên, Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ lại không khuyến khích việc bổ sung thường xuyên DHEA, vì các nhà nghiên cứu vẫn chưa có bằng chứng chứng minh độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng DHEA trong thời gian dài.
Như vậy, việc điều trị nồng độ testosterone thấp ở phụ nữ thường ưu tiên phương pháp thay đổi lối sống. Sống lành mạnh hơn, tích cực hơn là cách hiệu quả để chữa trị các triệu chứng gặp phải do thiếu testosterone ở nữ giới.
Nguồn tham khảo: Vinmec, Medicalnewstoday.com